Doanh nhân trẻ Lê Minh Trúc: Sự đam mê cống hiến

02/06/2017

Người tạo 4439

Chuyên mục:

Khi người ta trẻ, người ta khác lắm. Người ta tự tin, xông xáo, mạnh mẽ. Người ta khát khao chiến thắng và thẳng thắn chấp nhận thất bại. Và hơn nữa, khi người ta trẻ, người ta đam mê cống hiến, như Lê Minh Trúc- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Duy (Hoà Thành).

 

Thẳng thắn nên khi tôi hỏi: “Hiện tại Hùng Duy đang là nhà phân phối của nhiều công ty có thương hiệu mạnh tại Việt Nam và thế giới, năm 2012 đã nộp ngân sách Nhà nước 28 tỷ đồng, vậy hiện nay công ty này đang đứng ở vị trí nào trên bản đồ doanh nghiệp tỉnh nhà và cả nước”. Nữ doanh nhân Lê Minh Trúc tự tin nói luôn: dù đã nhận được khá nhiều giải thưởng nhưng Hùng Duy chưa tham gia một cuộc bình chọn nào mang tính quốc gia hay quốc tế - Mặc dù vậy, có thể khẳng định: ở Tây Ninh, Hùng Duy đang là doanh nghiệp hàng đầu. Và câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu...

Chị nhận định như thế nào về các doanh nghiệp tỉnh mình?

DN Lê Minh Trúc: Có tiềm lực lớn, có hoài bão nhưng thiếu liên kết, mạnh ai nấy làm. Hình như đây không phải là vấn đề của riêng Tây Ninh mà là của cả nước! Tôi làm ăn với người Trung Quốc, người Việt gốc Hoa, thấy họ có tính liên kết rất mạnh. Trong làm ăn, trong cuộc sống họ bảo bọc nhau thành một sợi xích rất chắc chắn, do vậy hiệp hội của họ rất mạnh. Họ cũng thường liên kết “ép giá” mình mà mình không làm gì được, chẳng hạn như với hàng nông sản của mình hiện nay đó.

Có nghĩa là tính liên kết của doanh nghiệp mình yếu?

DN Lê Minh Trúc: Đúng. Thật ra cái này cũng do văn hoá. Người Việt mình quen tư duy làm ăn nhỏ, tự cung tự cấp, không quen tính đến những chiến lược dài hơi nên dĩ nhiên chưa quen chuyện liên kết. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải thay đổi. Thực tế, tiềm lực doanh nghiệp tỉnh mình không nhỏ, nếu mỗi doanh nghiệp có tầm nhìn xa hơn, nghĩ đến cái lợi lớn hơn, biết bỏ qua những cái nhỏ trước mắt thì chắc chắn mạnh hơn nhiều.

Để liên kết các doanh nghiệp thì vai trò của Nhà nước rất quan trọng, vậy chị đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp? Và chị có nhận xét gì về môi trường kinh doanh của tỉnh nhà?

DN Lê Minh Trúc: Phải thừa nhận lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến doanh nghiệp, điển hình như chủ trương tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng nông sản ở các huyện biên giới giáp Campuchia, chủ trương nâng công suất các nhà máy mì đủ tiêu chuẩn… Bên cạnh đó, cải cách hành chính đang được đẩy mạnh nhưng theo tôi cần mạnh hơn nữa mới thu hút được đầu tư. Mặt khác, môi trường kinh doanh vẫn còn thiếu lành mạnh, chưa minh bạch. Đây là bất công lớn đối với những doanh nghiệp mong muốn làm ăn trung thực.

Nhưng muốn đẩy mạnh cải cách hành chính cũng như cải thiện môi trường kinh doanh thì mỗi doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm?

DN Lê Minh Trúc: Đúng vậy! Đó cũng là một trong những lý do tôi tham gia Hội đồng nhân dân tỉnh và đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh. Tôi mong muốn chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng đến với Đảng, Nhà nước và ngược lại, để qua đó doanh nghiệp và Nhà nước có thể tìm được tiếng nói chung, từ đó mang lại lợi ích cao nhất cho xã hội.

Đó là một trách nhiệm không dễ dàng?

DN Lê Minh Trúc: Tất nhiên, nhưng nếu sợ khó thì sẽ không làm được việc gì. Muốn làm doanh nghiệp, thì không nên sợ khó. “Muốn” thôi thì cũng chưa đủ, mà còn phải “dám”- dám làm, dám chịu mới được.

Có phải đối với doanh nhân Lê Minh Trúc, chữ “dám” được viết khá dễ dàng là vì doanh nghiệp Hùng Duy do chính thân sinh của chị- ông Lê Hữu Hùng, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty lập ra?

DN Lê Minh Trúc: Tôi biết mình may mắn vì có gia đình là điểm tựa vững chắc, có sự khởi đầu thuận lợi hơn so với người khác nhưng nếu chỉ dựa vào gia đình thì làm sao thành công? Bản thân tôi khi mới tốt nghiệp đại học ra trường cũng phải “ba chìm bảy nổi” mới được tham gia quản lý như hôm nay đó chứ! Khi ra trường tôi mới 21 tuổi, tràn đầy tự tin nên mượn “một đống tiền” cùng người bạn thẳng xuống Cà Mau nuôi tôm. Chỉ một năm sau, hành trang trở về quê của tôi là... món nợ 72 triệu đồng. Tôi xấu hổ quá nên giấu cha mẹ âm thầm tìm cách trả nợ. Năm 23 tuổi lại tiếp tục... “liều mạng”, mượn tiền đầu tư vào bò. Lần này... lỗ hơn 1 tỷ! Chưa hết đâu nghe, năm 2000 tôi được ba gọi về phụ trách kế toán cho công ty, do tôi thiếu kinh nghiệm nên bị phạt thuế hơn 300 triệu đồng. Lại rút thêm kinh nghiệm là phải coi trọng vai trò của kế toán, từ đó, tôi tiến hành cải tổ để chuyên nghiệp hoá phòng kế toán luôn. Như vậy đó, thất bại không ít đâu, nhưng mỗi thất bại là một bài học thấm thía cho mình. 34 tuổi, tôi đã hiểu được ý nghĩa của câu “thất bại là mẹ thành công”!

 
Nữ doanh nhân trẻ Lê Minh Trúc (thứ 2 từ phải qua)

Nhìn vào “lý lịch” của Hùng Duy, thấy “sự học” luôn có vị trí quan trọng?

DN Lê Minh Trúc: Phải! Toàn công ty hơn 400 người nhưng trình độ đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là hoạt động theo kinh nghiệm. Nhưng Hùng Duy nhận thức rõ kiến thức có vai trò cực kỳ quan trọng, do vậy hằng năm công ty đều tổ chức cho các cán bộ quản lý đi học nhằm bổ sung thêm kiến thức, nghiệp vụ tại trường Doanh Nhân PACE (một thành viên của tổ chức Giáo dục PACE). Công ty còn tạo điều kiện cho lãnh đạo và ban giám đốc các phòng ban đi tham quan hơn 20 quốc gia để mở rộng tầm nhìn, học hỏi thêm kinh nghiệm, đem những cái hay về phục vụ cho doanh nghiệp và cộng đồng liên kết với các trường đào tạo từ bên ngoài, kết hợp với giáo viên người nước ngoài để nâng cao vốn ngoại ngữ cho đội ngũ lãnh đạo hầu theo kịp đà phát triển của xã hội. Học tập là một trong những nét văn hoá của Công ty Hùng Duy.

Chị vừa nói về văn hoá công ty, vậy xin hỏi giá trị cốt lõi của Hùng Duy là gì?

DN Lê Minh Trúc: Đó là trung thực. Sự trung thực làm nên chất lượng, làm nên uy tín và đó chính là sự trường tồn của công ty.

Nhưng người ta nói “thật thà thường thua thiệt”, liệu có mâu thuẫn với phương châm “tối đa hoá lợi nhuận” trong kinh doanh?

DN Lê Minh Trúc: Nếu hiểu tối đa hoá lợi nhuận là phải bằng mọi thủ đoạn thì thật sai lầm, Công ty Hùng Duy không chấp nhận điều đó và cũng không làm được. Do vậy, có những sản phẩm do Hùng Duy phân phối giá cả có thể cao hơn nơi khác một chút nhưng chúng tôi luôn bảo đảm chất lượng. Chúng tôi không vì muốn bán được hàng mà bớt đi dù chỉ “chút xíu”chất lượng, hoặc bắt tay với nhà thầu, đại lý làm thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng. Mặc dù, có những thời điểm công ty kinh doanh không có lãi chẳng hạn như hiện nay nhưng trung thực vẫn luôn là giá trị cốt lõi mà Hùng Duy đeo đuổi.

Chị nói Hùng Duy đang không có lãi, nhưng năm nay hoạt động từ thiện của công ty vẫn rất mạnh?

DN Lê Minh Trúc: Hùng Duy luôn lấy trách nhiệm với cộng đồng làm mục tiêu hành động. Mỗi năm công ty dành 1 đến hơn 1,4 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện. Như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi cũng bị tác động của khủng hoảng kinh tế khiến việc kinh doanh gặp khó khăn nhưng tất cả đều nằm trong sự tính toán. Còn hoạt động từ thiện thì là trách nhiệm “nằm ngoài khủng hoảng” (cười), không liên quan gì đến khó khăn của công ty. Khi nào Hùng Duy còn thì hoạt động từ thiện vẫn còn là trách nhiệm xã hội và cũng là nét văn hoá của doanh nghiệp.

Hùng Duy thành lập từ năm 1994 với số vốn đầu tư chưa tới 350 triệu đồng, kinh doanh chủ yếu mặt hàng sắt thép xây dựng và sản xuất tinh bột khoai mì thủ công nhỏ lẻ, nhưng đến nay vốn điều lệ đã hơn 232 tỷ. Hiện nay, công ty đã có chiến lược gì cho sự phát triển của mình trong những năm tới đây?

DN Lê Minh Trúc: Hiện nay chúng tôi đang xây dựng quy trình quản lý ISO 9001, trong sản xuất áp dụng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp Biogas, tận thu khí thải làm khí đốt phục vụ sản xuất. Trong 3 năm tới, bên cạnh hệ thống sản xuất, thương mại, Hùng Duy sẽ tập trung phát triển hệ thống dịch vụ, đồng thời, sẽ tham gia sàn chứng khoán, phát triển thành công ty cổ phần. Năm 2012, doanh thu của Hùng Duy là 1.320 tỷ đồng. Ba năm tới doanh thu sẽ là 2.000 tỷ, nguồn vốn tăng trong 3 năm tới lên 1.500 tỷ đồng/năm.

Chị có vẻ rất “máu” kinh doanh?

DN Lê Minh Trúc: (cười) Trời! Làm kinh doanh mà không máu sao làm được? Người ta nói kinh doanh là để kiếm tiền, để làm giàu, dĩ nhiên rồi, nhưng với tôi không phải chỉ vậy mà còn hơn nữa- vì đam mê làm việc, đam mê sáng tạo, đam mê cống hiến, đam mê thấy mình là người có ích. Mình còn trẻ mà!

Một câu hỏi cổ điển: liệu một phụ nữ năng động, quyết đoán, mạnh mẽ và thông minh như chị có gặp khó khăn gì trong vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình không?

DN Lê Minh Trúc: Như đã nói, tôi may mắn vì có cha mẹ hai bên luôn hỗ trợ, nhất là ông xã tôi rất thông cảm, biết chia sẻ với vợ. Và tôi luôn tự nhủ, mình phải biết giữ gìn cái may mắn đó, giờ nào của công ty, giờ nào dành cho cha mẹ, dành cho chồng con đều phân biệt rõ ràng. Thật ra thì tôi suy nghĩ giản dị lắm, với công ty mình có thể đề ra chiến lược 5 năm, 10 năm, nếu có thất bại cũng không hối hận, nhưng còn gia đình- hôm nay còn được hạnh phúc, tôi phải tận hưởng và trân trọng hạnh phúc đó ngay hôm nay, còn nếu để lỡ mất đi thì sợ mai này sẽ hối tiếc…

Rất tiếc là cuộc trò chuyện của chúng tôi phải chấm dứt vì đã 11 giờ trưa, Tổng Giám đốc Lê Minh Trúc phải về ăn trưa cùng gia đình, sau đó chị còn phải đi thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một khoá học nghiệp vụ. Vì thế chúng tôi đành tạm biệt. Đi ngang biểu tượng con ngựa trước cửa Công ty Hùng Duy, nhìn dáng ngựa như muốn bay thẳng về phía trước trong tư thế dũng mãnh, hiên ngang, tôi càng hiểu rõ vì sao chủ doanh nghiệp này lại lấy đó làm biểu tượng.

Hùng Duy

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *