Những mảnh ghép M&A làm nên dấu ấn của Masan

21/11/2018

Người tạo 3798

Chuyên mục:

Masan, một doanh nghiệp Việt Nam với khả năng thực thi các kế hoạch mua bán – sáp nhập (M&A) vô cùng lớn. Mua doanh nghiệp hay bán cổ phần tại Masan đôi khi quá nhanh, quá nhiều và quá phức tạp.

Nhưng sau mỗi thương vụ, Masan lại bổ sung một mảnh ghép vào bức tranh kinh doanh hàng tiêu dùng, mà mỗi người Masan tiếp tục thực hiện sứ mệnh “hàng ngày, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam”.

Masan Group là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực như thực phẩm - đồ uống, thức ăn chăn nuôi và chế biến sâu khoáng sản.

Thành công của Masan Group ngày hôm nay ngoài quá trình tự phát triển, còn sự nhanh nhạy nắm bắt những “thương vụ bạc tỷ”, giúp tập đoàn nhanh chóng giữ vị thế cao trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Masan Group được phong tặng là “công ty có chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ (2008 – 2018)” do Báo Đầu Tư và công ty AVM bình chọn

Bước đi đầu tiên gia nhập vào chuổi 3F (Từ trang trại đến bàn ăn)

Tháng 4/2015, Masan tiến hành mua 52% và 70% cổ phần lần lượt của Công ty Cổ phần Việt - Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO). Đồng thời Masan cũng thành lập Công ty TNHH Masan Nutri-Science (MNS), mái nhà chung của hai công ty trên – đây là  bước đi quan trọng đầu tiên nhằm gia nhập chuỗi giá trị thịt heo, có giá trị thị trường 10,2 tỷ USD.

Đầu năm 2017, tầm nhìn của MNS đã được khẳng định khi KKR - công ty đầu tư hàng đầu của Mỹ, rót 250 triệu USD vào Masan Group và MNS. Khoản đầu tư của KKR bao gồm 100 triệu USD mua cổ phần Masan Group và 150 triệu USD đầu tư vào MNS để sở hữu 7,5% cổ phần. Giải thích cho khoản đầu tư này, đại diện KKR cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng Masan với niềm tin chiến lược, cơ hội tăng trưởng đột phá trong ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt".

Việc KKR đặt niềm tin chiến lược vào MNS là có cơ sở khi chỉ sau một thời gian ngắn MNS trở thành nhà sản xuất thức ăn cho heo lớn nhất Việt Nam cho đến hiện tại với 35% thị phần (không tính trại gia công).

MNS đã đưa vào hoạt động trang trại chăn nuôi heo tại Nghệ An vào cuối năm 2017 và đang hoàn thiện tổ hợp chế biến thịt heo tại Hà Nam. Dự kiến, những sản phẩm “thịt mát” mang thương hiệu MNS đầu tiên sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm nay. Đây sẽ là sản phẩm thịt tươi, ngon và sạch giúp người tiêu dùng chuyển đổi sang thói quen tiêu dùng thịt mới.

M&A để phát huy thương hiệu Việt

Tháng 10/2011, Masan Consumer (MCH) đã thâm nhập vào thị trường đồ uống và nước giải khát thông qua thương vụ mua lại 50,3% cổ phần của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (VCF) - nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất tại Việt Nam. Hiện nay, MCH đang sở hữu 98,5% cổ phần tại VCF.

MCH mua lại VCF nhằm duy trì và phát triển một thương hiệu cà phê có truyền thống lâu đời tại Việt Nam với hơn 50 năm lịch sử. Không chỉ giúp VCF duy trì bản sắc cà phê Việt Nam, MCH còn đầu tư vào công nghệ để VCF mang đến những sản phẩm từ cà phê mang tính đột phá. Hậu M&A, doanh thu thuần của VCF đã tăng lên từ 1.586 tỷ đồng năm 2011 lên 3.249 năm 2017, và biên lợi nhuận gộp cũng tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ.

Đầu năm 2013, MCH mua lại 63,5% của Công ty Cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo. Tuy nhiên, mức giá 85.000 đồng/cổ phiếu mà MCH bỏ ra khi đó để thâu tóm doanh nghiệp này khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Thời điểm đó, MCH định giá Vĩnh Hảo ở mức gần 700 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần lợi nhuận sau thuế năm 2012.

Nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây của Vĩnh Hảo đang cho thấy khoản đầu tư này hoàn toàn hợp lý. Năm 2017, Vĩnh Hảo đạt gần 800 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 117 tỷ lợi nhuận thuần, tăng lần lượt 65% và 9 lần so với 2012.

Vào tháng 11/2015, MCH tiếp tục mở rộng ngành nước khoáng khi Công ty TNHH Một Thành viên Masan Beverage - một công ty con của MCH, mua lại 65% cổ phần Công ty Nước khoáng và TMDV Quảng Ninh - nổi tiếng với thương hiệu nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và Faith. Hậu M&A, công ty này đã đạt doanh thu ước tính gần 370 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2010.

Nguồn nước khoáng của Việt Nam là tài nguyên thiên nhiên có giá trị mà người dùng yêu thích, đặc biệt khi ý thức về chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm.

Thông qua việc đầu tư vào Vĩnh Hảo và Quang Hanh, Masan tin rằng công ty sẽ giúp tiếp thêm sức mạnh cho hai thương hiệu nước khoáng Việt Nam để có thể cạnh tranh sòng phẳng hơn với các nhãn hiệu nước ngoài, đồng thời giúp Masan chiếm lĩnh thị phần và trở thành công ty nước khoáng nội địa có quy mô lớn nhất tại Việt Nam. 

Bước chuyển mình cho ngành thịt và thực phẩm

Đầu năm 2016, đối tác chiến lược Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha) tuyên bố đầu tư 1,1 tỷ USD vào Masan. Trong đó, Singha đã giải ngân trước 650 triệu USD, bao gồm 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần Masan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% cổ phần Masan Consumer Holdings.

Sự kết hợp hai nền tảng hàng đầu của Việt Nam và Thái Lan sẽ tạo vị thế lớn, tạo cơ hội cho cả hai giành chiến thắng ở các thị trường đang tăng trưởng nhanh trong khối ASEAN khi khẩu vị, thị hiếu và sở thích người tiêu dùng ở đây có sự tương đồng. Masan và Singha cam kết hợp tác chặt chẽ trong dài hạn để hỗ trợ tiếp cận thị trường của mỗi bên và tận dụng thế mạnh của nhau trong các ngành hàng tương ứng, mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Thị trường rượu bia Việt Nam tuy phát triển nhanh (tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 5% đến 2035), nhưng mang tính địa phương cao. Do đó, Masan sẽ tìm lối đi riêng và biến thương hiệu bia Sư Tử Trắng trở thành loại bia phổ biến toàn quốc.

Bên cạnh đó, tháng 3/2016, Công ty ANCO - công ty con của MNS, đã giành được quyền mua 14% cổ phần của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN) với mức giá 126.000 đồng mỗi cổ phiếu. Không lâu sau đó thì ANCO đã nâng tỉ lệ sở hữu tại VISSAN lên 24.99%. Giao dịch này giúp MNS tiếp cận vị thế dẫn đầu, thương hiệu và mô hình kênh phân phối hiện đại của VISSAN trong ngành thịt tươi sống.

Đối với thịt chế biến, MCH đã ký kết hợp tác chiến lược với Jinju, nhà sản xuất xúc xích lâu đời nhất Hàn Quốc vào tháng 7/2018 nhằm tạo ra các sản phẩm xúc xích cao cấp cho người tiêu dùng Việt Nam.

Dự án Núi Pháo và kỳ vọng tỷ đô

Một trong những dự án tạo dấu ấn và nâng tầm vị thế của Masan Group phải kể đến việc tiếp quản dự án Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), từ quỹ đầu tư nước ngoài vào tháng 2/2010.

Cuối tháng 4/2013, dự án bắt đầu đi vào sản xuất thương mại và Núi Pháo trở thành mỏ vonfram đơn lẻ lớn nhất thế giới đi vào hoạt động trong vòng 15 năm qua.

Ngay sau đó, Masan Group đã ký hợp tác liên doanh với Tập đoàn H.C. Starck - doanh nghiệp chế biến khoáng sản công nghiệp hàng đầu của Đức, thành lập Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C. Starck nhằm sản xuất các loại hoá chất chế biến cận sâu (midstream) từ vonfram như APT, BTO, YTO.

Mới đây, MSR sau đó đã chi 29,1 triệu USD nhằm mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck tại liên doanh chế biến vonfram. Thương vụ giúp đem về cho MSR khoảng 8,5 triệu USD lợi ích thương mại mỗi năm. Theo đó, tỷ số lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) cho năm 2018 sẽ tăng lên thêm 14%.

MSR hiện đang nắm giữ 36% thị phần vonfram ngoài Trung Quốc. Mục tiêu của công ty là đạt thị phần 50% vào năm 2020 và soán ngôi độc quyền về vonfram của Trung Quốc. MSR cũng đang tích cực tìm kiếm các đối tác đầu ngành trong lĩnh vực chế biến sâu vonfram (downstream), nhằm tạo ra các sản phẩm vonfram đầu cuối như xi măng cacbua và hoá chất vonfram; một thị trường trị giá đến 11 tỷ USD.

Giá vonfram tiếp tục tăng cao giúp doanh thu thuần của MSR đạt 3.239 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 26,6% so với kỳ năm 2017. MSR đặt mục tiêu doanh thu năm nay lên đến 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trên 1.000 tỷ đồng.

Cái bắt tay với SK và tương lai của Masan

Ngày 19/9 vừa qua, Masan Group lại tiếp tục nhận khoản đầu tư 470 triệu USD từ SK Group. Với khoản đầu tư này, SK sẽ sở hữu 9,5% cổ phần của Công ty cổ phần Masan và mức định giá của SK cho MSN là 5 tỷ USD. Tập đoàn dự kiến sử dụng để đầu tư vào các phát kiến tăng trưởng trong tương lai và tối ưu hóa cơ cấu tài chính. SK mong muốn gia tăng sự hiện diện của mình tại khu vực Đông Nam Á, với Việt Nam là tâm điểm và Masan Group sẽ là đối tác phù hợp cho chiến lược tăng trưởng dài hạn của SK.

Có thể, SK sẽ hỗ trợ Masan trong mảng sản xuất thịt cũng như xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc (SK đang sở hữu 27% của công ty sản xuất thịt bò lớn thứ ba của Trung Quốc), trong khi Masan Resources sẽ là đối tác phù hợp trong chuỗi giá trị phần cứng của SK (hiện SK Hynix là nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới).

Với cơ cấu tài chính hiện tại, Masan sẽ giảm chi phí lãi vay khoảng 1.000 tỷ đồng một năm bắt đầu từ Quý 4/2018. Tổng nợ/EBTDA dự tính sẽ giảm xuống còn 2,5x vào cuối năm 2018 nhờ vào kế hoạch trả nợ hơn 11.000 tỷ đồng vào Quý 4/2018. Việc tăng cường trả nợ vay là một phần kế hoạch của Masan nhằm mục tiêu trong 12 tháng nữa đạt đánh giá tín nhiệm bằng mức đánh giá tín nhiệm của Việt Nam là BB-.

Đồng thời, Ban Điều hành dự báo lợi nhuận thuần từ lĩnh vực kinh doanh chính sẽ tăng trưởng ít nhất 50% cho cả năm nay và tiếp tục duy trì cho cả năm 2019.

Nhìn lại chặng đường của Masan qua các thương vụ mua bán, sáp nhập có thể thấy các công ty thành viên và liên kết của tập đoàn dẫn đầu một số lĩnh vực, là sản phẩm thiết yếu và đang tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam như thực phẩm và đồ uống, thịt và hoá chất vonfram. Với nguồn vốn mới từ SK, Masan sẽ có thêm nguồn lực to lớn để tiếp phục vụ cho chiến lược tăng trưởng dài hạn của tập đoàn này.

MaSan Group

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *