Những quy tắc trở thành nhà lãnh đạo thực sự

21/06/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Lãnh đạo là một trong những chủ đề hàng đầu của mọi tổ chức trong suốt thời gian dài. Đứng trước những thách thức của thời đại ngày nay, chúng ta càng cần một sự lãnh đạo tốt hơn so với trong quá khứ. Vậy lãnh đạo thực sự là gì? Làm thế nào để trở thành nhà lãnh đạo thực sự?

Vietnam Report trân trọng giới thiệu quan điểm của Giáo sư Fredmund Malik – Chủ tịch Viện Malik (Thụy Sĩ), một trong những chuyên gia về lãnh đạo và quản lí có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới theo Peter F. Drucker.

GS. Malik là diễn giả chính trong Hội nghị Vietnam CEO Summit, diễn ra ngày 18/07 tới đây tại Khách sạn Sheraton (Hà Nội).

GS. Malik là diễn giả chính trong Hội nghị Vietnam CEO Summit 2017 diễn ra vào ngày 18/07 tới đây tại Khách sạn Sheraton (Hà Nội).

Nhiều người vẫn cho rằng khả năng lãnh đạo là do phẩm chất của mỗi cá nhân quyết định; nói cách khác, họ sở hữu một tính cách nhất định. Tuy nhiên, trong lịch sử, các nhà lãnh đạo thuộc mọi lĩnh vực đều không giống nhau. Nếu tập trung vào phẩm chất, chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua những gì nhà lãnh đạo đã làm và cách họ làm được điều đó. Muốn được người khác xem là một nhà lãnh đạo, người đó phải đạt được hiệu quả thực sự.

Để nắm bắt được bản chất thực sự của lãnh đạo, phải phân tích nó và nếu có thể thì hãy học nó. Hãy thử tự hỏi: Lãnh đạo phụ thuộc vào điều gì? Nhà lãnh đạo thực sự nên theo đuổi những nguyên tắc nào?

Tập trung vào nhiệm vụ hiện tại: Câu hỏi then chốt của những nhà lãnh đạo không phải là “Tôi muốn gì, điều gì phù hợp với tôi?” mà là “Phải làm gì trong tình huống này để đạt được kết quả tốt nhất cho tất cả mọi người?” – đối với quốc gia, công ty và con người. Họ không phải là những người thích được khen thưởng, mà là những người cảm thấy có trách nhiệm làm việc mình phải làm. Động lực và sức mạnh của họ chính là sản phẩm được làm ra sau đó.

Phải lắng nghe: Nhấn mạnh “phải” vì trong thực tế, nhiều nhà lãnh đạo thiếu kiên nhẫn do họ biết tốc độ quan trọng thế nào, và bởi họ đã quyết định rằng mình đang hành động đúng. Nhưng họ cũng biết vai trò của những thông tin chỉ có thể nhận được từ người khác. Hơn nữa, không biết lắng nghe, họ có thể đánh mất lòng tin của tổ chức.

Không trốn tránh trách nhiệm: Lãnh đạo thực sự phải quan tâm đến kết quả. Khi không có kết quả hoặc kết quả chưa khả quan, họ sẽ không trốn tránh trách nhiệm. Có thể thấy những trường hợp thất bại trong lịch sử, địa vị của những nhà lãnh đạo bắt đầu sụp đổ khi họ dùng cớ và lời bào chữa, hay xây dựng thuyết âm mưu và sử dụng vật hi sinh.

Chấp nhận nhiệm vụ quan trọng hơn cá nhân: Các lãnh đạo biết rõ rằng họ quan trọng thế nào và chắc chắn họ sẽ để những người khác cảm nhận được điều này. Nhưng lãnh đạo thực sự sẽ luôn thấy nhiệm vụ lớn hơn, cũng như quan trọng hơn bản thân. Đây là cách duy nhất cho phép họ đánh giá tình hình một cách khách quan, đưa ra bằng chứng cho mỗi hành động và giữ vững đạo đức nghề nghiệp vào thời điểm quyết định.

Không tranh công của cấp dưới: Nhà lãnh đạo thực sự nghĩ về “chúng ta” thay vì “tôi”. Họ biết nhân viên và tổ chức của mình thể hiện như thế nào và sẽ công nhận điều đó. Thành công chung rất quan trọng, chứ không phải sự thành công dưới tư cách là một cá nhân.

Không sợ người tài: Lãnh đạo biết chỉ những người tốt nhất mới đủ điều kiện đối phó với những thách thức lớn đang đặt ra cho tổ chức mình. Vì thế, lãnh đạo tìm cách thu hút những người tài và không bao giờ loại bỏ họ vì nỗi lo sợ bị mất vị trí. Thu hút những người yếu hơn, những người mình thích và những người luôn nói “có” là dấu hiệu chắc chắn cho thấy sự yếu kém về năng lực lãnh đạo.

Không phải người truyền cảm hứng: Mọi người luôn muốn lãnh đạo phải là người truyền cảm hứng cho người khác. Đây là một quan niệm sai lầm, bởi vì sự nhiệt tình sẽ là một trở ngại cho việc lãnh đạo trong các tình huống nghiêm trọng. Nếu chúng ta giải quyết vấn đề mà mọi người về cơ bản đều có hứng thú, lãnh đạo sẽ thực sự không cần thiết; phần lớn thời gian, chỉ cần hùng biện và sự thể hiện là đủ.

Không phải sự tuyệt đối: Lãnh đạo là tương đối, phụ thuộc vào hoàn cảnh. Chẳng hạn cùng một người, họ có thể trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc trong một trường hợp nào đó và trong trường hợp khác lại không cho thấy khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo cũng không chỉ phụ thuộc vào con người. Tình huống và phương thức cụ thể để giải quyết vấn đề sẽ cùng nhau tạo nên sự lãnh đạo.

Chính bởi vậy, quản lí vấn đề đặc biệt quan trọng trong các mô hình tổ chức. Khi xảy ra tình huống (thường là cuộc khủng hoảng, sự cố...), lãnh đạo và quản lí sẽ song song thực hiện chức năng của mình. Những quy tắc để trở thành nhà lãnh đạo thực sự còn rất nhiều, nhưng nếu không quản lí – mà trước hết là quản lí bản thân – hiệu quả, có thể bạn sẽ không bao giờ theo đuổi được quy tắc nào. Đó là lí do tại sao đứng trước những thách thức ngày hôm nay, nắm rõ bản chất của lãnh đạo hay quản lí là chưa đủ; chúng ta cần tìm kiếm một phương thức lãnh đạo và quản lí thực sự phù hợp để dẫn dắt tổ chức của mình phát triển bền vững.

Doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm các giải pháp tối ưu hơn cho những thách thức trong cuộc cách mạng 4.0? Nhiều phương pháp làm việc truyền thống đã không còn tạo ra hiệu quả rõ rệt? Các quan điểm về lãnh đạo, quản trị và quản lí hiện đại, cùng những phương pháp tiếp cận tiên tiến sẽ được một trong những chuyên gia có ảnh hưởng nhất thế giới về lãnh đạo và quản lí – GS. Fredmund Malik phân tích và trình bày trong buổi thuyết giảng với chủ đề “Cuộc Chuyển đổi Vĩ đại Thế kỉ 21 và chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam” tại Hội nghị thường niên CEO Summit lần thứ 10 do Vietnam Report tổ chức ở Khách sạn Sheraton, Hà Nội vào ngày 18/07/2017 tới đây.

Theo VietnamNet

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *