Nông nghiệp Việt Nam thời hội nhập TPP: Đã thực sự hấp dẫn?

29/10/2015

Người tạo

Chuyên mục:

Có thể nói với hàng loạt Hiệp định được ký kết trong thời gian qua, đặc biệt là TPP, cơ hội thu hút vốn đầu tư ngoại, cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược trên thị trường Quốc tế là rất lớn với các Doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Nông nghiệp lạc quan

Trong một động thái gần đây, tờ Wall Street Daily của Mỹ có nêu nhận định về cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. Bài báo nhận định, năm 2009, các nước thuộc nhóm CIVETS gồm Colombia, Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi là các nước mới nổi hấp dẫn giới đầu tư. Đến tận ngày nay, tuy không phải tất cả các nước trong CIVETS nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Wall Street Daily cũng trích dẫn Báo cáo đánh giá về cơ hội của ngành Nông nghiệp Việt Nam sau TPP do Vietnam Report phối hợp cùng Công ty Tư vấn Corr Analytics (Mỹ) nghiên cứu, theo đó, cổ phần hoá các Doanh nghiệp Nhà nước, tự do hóa thương mại, và Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước, trong đó có Hoa Kỳ, có thể sẽ mang lại rất nhiều cơ hội quý giá mới và sự phát triển cho ngành Nông nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Thêm vào đó, đầu tư góp vốn tư nhân (private equity) là cách để tiếp cận thị trường Nông nghiệp hấp dẫn của Việt Nam.

Nhiều năm nay, Nông nghiệp vẫn là một trong ba cột trụ của nền kinh tế nước ta, trong đó thủy sản được đánh giá mạnh nhất, tiếp đến là trồng trọt và chăn nuôi. Việt Nam có khoảng 10,3 triệu  hecta đất canh tác, giá trị xuất khẩu Nông nghiệp lớn, khoảng 30 tỷ USD/năm, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu. Thực tiễn vẫn cho thấy phát triển kinh tế trong đó lấy Nông nghiệp là đòn bẩy vẫn đúng với nước ta trong mọi thời điểm và giai đoạn vì rõ ràng với Nông nghiệp, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn khi tham gia chuỗi thị trường toàn cầu.

Trong một điều tra gần đây của Vietnam Report với cộng đồng các Doanh nghiệp lớn trong các Bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam và VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, khi được hỏi về những điều chỉnh thuế suất theo TPP có tác động ra sao đến Doanh nghiệp, có đến 77% Doanh nghiệp ngành Nông nghiệp tham gia trả lời phỏng vấn cho rằng sẽ có ảnh hưởng tích cực.

Hình 1: Đánh giá tác động của các điều chỉnh thuế suất theo TPP đến cộng đồng Doanh nghiệp lớn Việt Nam

Cơ hội cho ngành Nông nghiệp cất cánh

Với Hiệp định TPP được ký kết, một cơ hội rất rõ ràng nhìn thấy là thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn, thị trường chuỗi cung cấp mới sẽ được hình thành, giúp Việt Nam giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống hay bị thay đổi và quan trọng hơn hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế suất xuống 0% theo lộ trình sẽ giúp Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước có cùng điều kiện sản xuất.

Thứ hai, một cơ hội hết sức quý báu đó là ngành Nông nghiệp của chúng ta sẽ thu hút được nhiều vốn ngoại, và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để hưởng ưu đãi thuế quan. Việc thu hút yếu tố ngoại này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp – một chủ trương lớn của chính phủ Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh nhiều năm trở lại đây Nông nghiệp là lĩnh vực rất yếu về thu hút vốn đầu tư và đang ở trong tình trạng suy giảm đáng lo ngại. Số liệu thống kê cho thấy tính chung trong cả năm 2014 chúng ta chỉ có khoảng 513 dự án FDI lớn, nhỏ đầu tư vào Nông nghiệp và lượng vốn FDI đầu tư vào Nông nghiệp rất khiêm tốn, chỉ chiếm 1,4% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam!

Có thực sự mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp

Khi hội nhập sâu rộng vào TPP, những yếu điểm của Nông nghiệp Việt Nam không sớm thì muộn cũng sẽ dần bộc lộ. Những mô hình sản xuất, canh tác nhỏ lẻ và manh mún của Nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại khi ra biển lớn. Theo số liệu thống kê hiện có khoảng 35 nghìn Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chiếm một tỷ lệ ít ỏi là 1,01% tổng số Doanh nghiệp cả nước. Điều đáng nói hơn, đây hầu hết là những Doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”, cho nên rất khó trong cạnh tranh. Sản xuất quy mô hộ là chính, công nghệ còn kém vì vậy sẽ có những mặt hàng gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa.

Trong bảng xếp hạng V1000 – Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2015 mới được Vietnam Report công bố mới đây cũng cho thấy số Doanh ngiệp Nông nghiệp chiếm rất khiêm tốn, chỉ có 29 Doanh nghiệp và đóng góp chưa đến 2% vào tổng số thuế của Bảng xếp hạng.

Hình 2: Tỷ trọng và số Doanh nghiệp trong BXH V1000 2015 phân theo ngành nghề hoạt động

Thêm vào đó ngành Nông nghiệp phải đối mặt với các thách thức bao gồm công nghệ thiếu tính cạnh tranh, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lực lượng lao động thiếu kĩ năng, và chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp trong khi đó đánh giá trình độ chăn nuôi của các nước trong khối TPP như Australia, Canada, Mỹ… phát triển hơn Việt Nam rất nhiều. Nếu các Doanh nghiệp ngành chăn nuôi của nước ta không nhanh chóng, linh hoạt chuyển đổi thì kết cục xấu như thua lỗ, phá sản là việc nhãn tiền.

Sau vài năm hội nhập vào kinh tế toàn cầu, đặc biệt là WTO, những mặt bất lợi và manh mún của nền Nông nghiệp đã bộc lộ, chúng ta rõ ràng chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của chính mình trên sân chơi Quốc tế. Bài học từ hội nhập WTO vẫn còn nguyên giá trị, đi ra “biển lớn” bản thân ngành Nông nghiệp cũng phải cần những “con thuyền lớn” đủ sức đương đầu với “sóng to gió lớn”. Với các nhóm ngành nhỏ được dự báo sẽ hưởng lợi như nông sản, thủy sản cần chủ động hơn về lao động, vốn, đất đai và các nguyên liệu đầu vào, trong khi đó với các nhóm ngành dự báo sẽ gặp nhiều tác động bất lợi như chăn nuôi, lâm nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu là việc cần thiết. Bản thân các Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị kế hoạch hành động tích cực và chủ động trên các phương diện như định hướng thị trường, đối tác, phương thức sản xuất và quản trị Doanh nghiệp. 

Trung Đức

Ngày 27/11/2015, Vietnam Report phối hợp với Tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế và Báo VietnamNet – Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000-Top 1000 Doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia – Hà Nội. Lễ công bố nhằm tôn vinh và ghi nhận sự đóng góp của các Doanh nghiệp lớn Việt Nam vào sự phát triển chung của nước nhà, cùng với đất nước tiếp tục dấn bước trên con đường hội nhập sâu rộng và toàn diện hơn nữa vào nền kinh tế Thế giới. Cũng trong khuôn khổ Lễ công bố sẽ vinh danh Top 50 Doanh nghiệp thành tựu xuất sắc giai đoạn 2011-2015 và giới thiệu Báo cáo thường niên Môi trường Thuế dựa trên kết quả điều tra Doanh nghiệp của Vietnam Report.

 

  


Bình Luận (1)

  • tientbn · 01/02/2016
    Bài viết quả là xúc động


Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *