Tập đoàn Công nghệ CMC và hành trình 25 năm chinh phục thế giới số

06/08/2018

Người tạo 223

Chuyên mục:

Ngày 25/07/2018, tại Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2018, Tập đoàn Công nghệ CMC đã vinh dự nhận giải thưởng Top 5 Doanh nghiệp công nghệ thông tin – viễn thông uy tín năm 2018 cùng với Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT và VNG. Nếu không xét đến 2 tập đoàn nhà nước Viettel và VNPT thì trong khối doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Công nghệ CMC được xếp vào Top 2.

Khởi nguồn từ tình yêu và đam mê công nghệ

Tháng 5 năm 1993, công ty TNHH HT&NT (tiền thân của Tập đoàn CMC) được thành lập bởi hai sáng lập viên tài năng và đầy tâm huyết với ngành công nghệ thông tin là ông Hà Thế Minh (Cố Chủ tịch CMC) và ông Nguyễn Trung Chính (nay là Chủ tịch HĐQT/TGĐ CMC). CMC ra đời từ ước mơ của những kỹ sư trẻ đam mê công nghệ, đều từng được đào tạo ở nước ngoài và ấp ủ giấc mơ đưa những công nghệ tiên tiến nhất về Việt Nam, đưa ngành ICT Việt Nam lên một tầm cao mới.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, CMC đã luôn kiên trì với định hướng: ICT là năng lực cốt lõi, tập trung đầu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ. Ra đời trong bối cảnh Mỹ gỡ bỏ cấm vận với Việt Nam, đất nước bắt đầu hội nhập với ngành công nghệ thông tin thế giới, CMC nhanh chóng bắt kịp với thời cuộc là làm thương mại, khắc phục thiếu thốn về trang thiết bị IT ở Việt Nam. Năm 1995, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Máy tính Truyền thông CMC, năm 1996 Thành lập Trung tâm Tích hợp Hệ thống (sau này là công ty CMC SI) và Trung tâm Giải pháp Phần mềm (sau này là công ty CMC Soft). Đến năm 1999, CMC đã là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất máy tính thuơng hiệu Việt Nam và thành lập Công ty Máy tính CMC – CMS. Trong suốt nhiều năm, CMS đã giữ vững ngôi đầu thị trường máy tính thương hiệu Việt và vinh dự được gắn biểu trưng Thương hiệu quốc gia.

Đến Top 2 doanh nghiệp CNTT-VT tư nhân uy tín nhất

Công ty CMC tiếp tục phát triển bền bỉ cho tới thời điểm “bước ngoặt” năm 2007 khi công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, rồi niêm yết hơn 63.5 triệu cổ phiếu với mã CMG tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM năm 2010. Liên tục sau đó, Tập đoàn Công nghệ CMC đã được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động: Hạng Ba (2005), Hạng Hai (2010), Hạng Ba (2018), từ năm 2009 đến nay xếp thứ hạng 100/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (Top 500 VNR) và tới năm 2018 là Top 5 doanh nghiệp CNTT-VT uy tín nhất Việt Nam.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và hướng tới thị trường khu vực, quốc tế thông qua những hoạt động kinh doanh chủ lực như: Tích hợp hệ thống, Dịch vụ phần mềm, Viễn thông – Internet và Sản xuất - Phân phối các sản phẩm ICT. CMC được biết đến như một đối tác tin cậy và uy tín trong các dự án CNTT cấp trung và lớn trong các lĩnh vực: chính phủ, giáo dục, thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm, điện lực, ngân hàng, tài chính… thông qua những hoạt động kinh doanh chủ lực như:

  • Tích hợp hệ thống: Dịch vụ tích hợp hệ thống bao gồm Giải pháp Hạ tầng và Giải pháp Ứng dụng; Cung cấp các giải pháp CNTT chuyên ngành cho chính phủ, doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục đào tạo; Cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo trì và quản trị chuyên nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực Bảo mật, CMC đã tổ chức thành công “Hội nghị quốc tế về phòng, chống mã độc toàn cầu AVAR 2015” thu hút sự góp mặt của hơn 150 chuyên gia hàng đầu về An ninh mạng, các Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Bảo mật, các Phó Chủ tịch phụ trách An toàn Thông tin đến từ 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc lớn nhất thế giới như Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, Microsoft, BitDefender, Huawei, Baidu…
  • Viễn thông – Internet: Dịch vụ hạ tầng viễn thông; Dịch vụ truyền số liệu; Dịch vụ DC/DR và Managed Service; Dịch vụ truy cập Internet cho hộ gia đình qua truyền hình cáp; Dịch vụ giá trị gia tăng.
  • Giải pháp phần mềm: Sản xuất phần mềm đóng gói; Cung cấp phần mềm như dịch vụ (SaaS); Dịch vụ thuê ngoài ITO và BPO; Dịch vụ phần mềm theo yêu cầu; Ứng dụng công nghệ Cloud; Khai thác thị trường ODC
  • Sản xuất, lắp ráp & dịch vụ CNTT: Sản xuất và lắp ráp máy tính để bàn, máy chủ CMS; Cung cấp các thiết bị CNTT, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phần mềm (license); Các dịch vụ CNTT theo nhu cầu của khách hàng…

Ngoài việc là đối tác và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho các khách hàng trong nước, Tập đoàn CMC đã phát triển mạng lưới khách hàng rộng khắp tại các châu lục (25 nước có thể kể đến như: Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Tháng 3/2017, Tập đoàn CMC đã quyết định thành lập CMC Global là đơn vị chiến lược với mục tiêu xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và sản phẩm công nghệ thông tin của CMC vươn ra thị trường toàn cầu, trong đó thị trường ưu tiên là Nhật Bản với sự ra đời của công ty CMC Japan (khai trương tại Yokohama – Nhật Bản vào tháng 11/2017).

Xây dựng Hệ sinh thái 4.0 cho đất nước

Những năm gần đây, Tập đoàn Công nghệ CMC luôn cho thấy tiềm lực phát triển của một trong những tập đoàn ICT lớn nhất Việt Nam. Doanh thu toàn Tập đoàn luôn vượt so với chỉ tiêu đề ra và đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Năm tài chính 2017, Tập đoàn CMC đạt doanh thu 5335 tỷ và lợi nhuận trước thuế gần 253 tỷ, tăng trưởng 12% doanh thu và 20% lợi nhuận so với năm 2016, hướng tới mục tiêu doanh thu 10,000 tỷ năm 2020, sẵn sàng cho đà tăng trưởng 25 năm, 50 năm, 100 năm tiếp theo của CMC.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự lễ khai trương Trung tâm Sáng tạo CMC Innovation Center

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm gian hàng của CMC tại triển lãm Industry 4.0 Summit 2018

Đặc thù của lĩnh vực công nghệ là không ngừng phát triển, đổi mới đòi hỏi các công ty công nghệ cũng luôn phải vận động, sáng tạo và tìm ra những hướng đi phù hợp. Cuối năm 2017, Tập đoàn CMC đã đồng loạt khánh thành cụm hạ tầng dịch vụ quan trọng, bao gồm tuyến cáp xuyên Đông Nam Á CVCS và Trung tâm Dữ liệu Data Center thứ 3 của CMC Telecom, Trung tâm điều hành an ninh mạng thế hệ mới CMC NextGen SOC và Phòng thí nghiệm CMC LAB thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC. Cuối tháng 12/2017, Tập đoàn Công nghệ CMC đã khởi động dự án CMC Creative Space – tổ hợp văn phòng và trung tâm dữ liệu của CMC tại khu vực phía nam thuộc Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích khu đất là 13,133 m2 và tổng mức đầu tư 1,000 tỉ đồng. Với các công trình hạ tầng công nghệ trên, Tập đoàn CMC đã và đang tích cực xây dựng một “Hệ sinh thái 4.0” để nghiên cứu – triển khai – vận hành những ứng dụng công nghệ mới, đem lại những giá trị gia tăng cho các khách hàng và đối tác, cũng như đóng góp vào Hệ sinh thái Công nghệ chung của toàn thành phố và quốc gia trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hồng Ngọc

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *