Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long: Một VNPT trẻ trung, năng động, sáng tạo, nhân văn!

30/06/2017

Người tạo 241

Chuyên mục:

Lịch sử VNPT là những cuộc đổi mới không ngừng nghỉ. Vào những ngày đầu năm mới 2016, như một sự sắp xếp của lịch sử, khi đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, dấy lên tinh thần quốc gia khởi nghiệp thì VNPT cũng vừa hoàn tất tái cấu trúc, với khí thế hừng hực tìm lại vị trí “quả đấm thép” của nền kinh tế và vị thế “anh cả đỏ” trong ngành viễn thông - công nghệ thông tin.

Thưa ông, công cuộc tái cấu trúc mà VNPT thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ có được coi là cuộc đổi mới tiếp theo của VNPT?

Sau 20 năm, VNPT lại chứng kiến một cuộc đổi thay lớn lao.

20 năm trước, tiền thân của VNPT là Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã đi vào các chiến dịch tăng tốc, xây dựng hạ tầng viễn thông vững mạnh làm nền tảng cho đất nước bước vào hội nhập quốc tế.

Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long
Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau 30 năm đổi mới, VNPT đã bộc lộ nhiều trì trệ. Có thể nhìn thấy rằng, VNPT từ vị thế nhà mạng số 1, chiếm vị trí chủ đạo những dịch vụ then chốt đã dần mất đi thị phần, vị thế, thu nhập người lao động dần thấp đi. Cánh cửa độc quyền đã dần khép lại và thách thức đặt ra cho VNPT ngày càng lớn.

Suốt một thời gian dài bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, tư duy bao cấp hằn sâu trong cán bộ nhân viên VNPT đã khiến một VNPT cường tráng, hừng hực khí thế thời kỳ đầu của đổi mới trở nên nặng nề, chậm chạp hơn so với các đối thủ.

VNPT nhận thức rằng, phải tự đổi mới, tự thay đổi không ngừng để phát triển. Do vậy, VNPT đã đề xuất với Chính phủ và thực sự quyết tâm rất cao thực hiện tái cơ cấu.

Công cuộc tái cơ cấu tại VNPT được thực hiện rất mạnh mẽ và thực chất, không theo hướng hình thức, đối phó, lấy tiếng. Tái cơ cấu VNPT hướng tới thay đổi “người thật -việc thật” và trọng tâm hướng tới phục vụ khách hàng. Tôi hay nói với anh em: “Chúng ta không tự tuyên bố tái cơ cấu thành công mà là khách hàng, xã hội nhìn nhận tái cơ cấu tại VNPT có thành công hay không!”.

Đến nay, mỗi người VNPT tự thân thấy cần phải đổi mới và khi tự nhận thức được cần phải làm thì phải làm quyết liệt, máu lửa, làm cho ra việc, làm để phát triển chứ không phải làm mang tính chất đối phó. Đây là tính cách mạng trong tái cơ cấu để đưa VNPT vươn lên tầm cao mới.

Có cảm nhận rằng, sau khi tái cấu trúc, VNPT như lột xác để bắt đầu tham gia công cuộc đổi mới giống như 30 năm trước. Trong giai đoạn “đổi mới lần hai” này,  VNPT sẽ định hướng phát triển thế nào để chiếm lĩnh thị trường, giành lại vị trí chủ lực như 30 năm trước?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn VNPT lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định một chủ đề quan trọng là “đột phá năng lực cạnh tranh”. Tức là, giai đoạn tới - “hậu tái cấu trúc”, VNPT đặt ra nhiệm vụ đột phá mới, tăng tốc mới chứ không phải tốc độ phát triển bình bình như những năm qua. 

Quay lại 20 năm trước, VNPT với tư duy mới, con người mới, quyết tâm mới đã có những thời kỳ có tốc độ tăng trưởng 30-40%. VNPT hôm nay sau tái cơ cấu cũng sẽ đồng hướng, cùng nhịp đập với Nghị quyết Đại hội Đảng XII, với định hướng phát triển của Chính phủ, thực hiện đột phá lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.

Trong 2014-2015, song song với việc thực hiện tái cơ cấu, VNPT đã đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận từ 20-25%/năm. Điều này thể hiện rằng, tái cơ cấu đang đi đúng hướng, đang hướng tới một mô hình hoàn chỉnh hơn. Trên đà phát triển này, VNPT kỳ vọng sẽ đạt được bước đột phá mới.

Bên cạnh việc đẩy mạnh dịch vụ truyền thống, VNPT cũng mạnh dạn tái cơ cấu theo hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang những dịch vụ CNTT, chuyển dịch cơ cấu nguồn năng lực sang CNTT trong tình hình phát triển mới. VNPT có thế mạnh và hoàn toàn phù hợp để thực hiện sự chuyển dịch này.

Để thực hiện vai trò quả đấm thép của nền kinh tế và  giành lại vị trí “anh cả đỏ” trong ngành viễn thông, trong giai đoạn mới, VNPT sẽ phát triển dựa trên những trụ cột nào, thưa ông?

Trụ cột đầu tiên, không chỉ VNPT mà các nhà cung cấp dịch vụ khác muốn thực hiện đột phá mới, vẫn là hạ tầng. VNPT sở hữu hạ tầng rất mạnh. Đây là lợi thế mà VNPT có được. Với hạ tầng mạnh này, VNPT mong muốn được tiếp tục đầu tư, chia sẻ hạ tầng, để làm sao sử dụng tốt nhất hạ tầng đất nước đã đầu tư, tránh lãng phí, chồng chéo.

Trụ cột thứ hai cũng là dịch vụ chủ lực, mũi nhọn của VNPT chính là di động và băng rộng cố định. VNPT mong muốn năm 2016 sẽ được khách hàng đánh giá là “mạng di động có chất lượng tốt nhất” và “nhà mạng chăm sóc khách hàng tốt nhất”.

Trụ cột thứ ba là sự chuyển dịch từ lĩnh vực viễn thông truyền thống sang CNTT và giá trị gia tăng. CNTT là thế mạnh của VNPT, nên đây sẽ là trụ cột chính để thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử này là cho ai? Cho chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân tương tác, sử dụng, nên độ lan tỏa không chỉ nằm ở cấp tỉnh, mà phải đến huyện, xã. Đây chính là thế mạnh của VNPT. Chúng tôi mong muốn khi triển khai chuyển dịch sang Chính phủ điện tử là phục vụ tận nhà người dân, chính quyền cấp xã chứ không phải chỉ đi tới thành lập các dự án. Với một thế mạnh hạ tầng băng rộng, siêu rộng tới tận cấp xã, với với một đội ngũ kỹ thuật phủ tuyến huyện, xã, với đội ngũ kỹ sư phần mềm đã sở hữu, quản lý và phát triển công nghệ thông tin của VNPT bao nhiêu năm qua, VNPT tự tin có được tiềm lực, đủ sức chuyển dịch sang lĩnh vực CNTT.

Bên cạnh đó, VNPT cũng sẽ tập trung phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng mang tính hàm lượng xã hội cao trong lĩnh vực giáo dục, y tế… Mục tiêu của VNPT là hướng tới phục vụ nhu cầu học tập, giải trí, trải nghiệm của khách hàng ngày một hoàn thiện hơn.  Trụ cột thứ tư VNPT xác định là công nghệ công nghiệp. Trong bối cảnh mà vấn đề an toàn an ninh mạng ngày càng cấp thiết, các thiết bị đầu cuối không đảm bảo an toàn, sự tin cậy, nên VNPT chuyển hướng phát triển công nghệ công nghiệp. Hiện nay, đối với thiết bị đầu cuối cho băng rộng, VNPT sản xuất 100%, trong khi trước đây phải nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, người Việt  đủ sức làm được tất cả nếu chúng ta đầu tư nghiêm túc để R&D và sản xuất. Hiện nay, thiết bị đầu cuối của VNPT có chất lượng cao hơn hẳn thiết bị trôi nổi ngoài thị trường.

Ông có nói đến trụ cột mới là công nghệ, công nghiệp. Việt Nam đang là điểm đặt chân của các hãng sản xuất công nghiệp điện tử như Samsung, LG, Intel… Đặc biệt là trong bối cảnh Việt  Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định TPP, làn sóng này sẽ còn mạnh mẽ. VNPT có đặt ra kế hoạch hợp tác với các hãng này hay không?

VNPT xác định R&D sẽ là “xương sống”, “hơi thở” của doanh nghiệp công nghệ nên gần đây đã đầu tư cho khoa học - công nghệ rất lớn, gấp tới 17 lần những năm trước. Chúng tôi đã tính đến chuyện tự sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. VNPT mong muốn  đi từ sản xuất đầu cuối đi lên công nghệ lõi.

Có người sẽ hỏi rằng, người ta sản xuất rồi ông cạnh tranh sao nổi, còn sản xuất làm gì? Nhưng nếu không làm từ cái đơn giản đến cái phức tạp, chúng ta sẽ không có nền tảng công nghệ, không có “vốn” để đàm phán hợp tác với đối tác và phải xây dựng cho mình một hàm lượng về công nghệ nhất định để có lực khi đàm phán.

Vậy, VNPT có cần xin “cơ chế đặc thù” để sớm đột phá hay không?

Chúng tôi tự tin rằng, VNPT sẽ cạnh tranh một cách sòng phẳng, bình đẳng. Bây giờ đã là thời kỳ hội nhập sâu rộng, không còn khoảng cách “sân nhà - sân khách”, mọi doanh nghiệp đều bình đẳng, nên VNPT coi mình như các  doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI, cạnh tranh công bằng, tự bơi, tự “chiến đấu”. Cái mọi doanh nghiệp, trong đó có VNPT cần là một sân chơi bình đẳng, không đặc quyền, đặc lợi.

Vậy lộ trình của VNPT đặt ra cho bước phát triển của VNPT trong giai đoạn “hậu tái cơ cấu” là gì?

VNPT đã vạch ra một lộ trình cho mình. Đó là việc VNPT bắt đầu phải chủ động toàn bộ với phần đầu cuối, bắt đầu bằng đầu cuối băng rộng rồi tiến tới đầu cuối di động.

Có đặt viên gạch đầu tiên mới xây được bức tường. Dự kiến cuối giai đoạn nhiệm kỳ 5 năm tới 2016 - 2020, VNPT sẽ hợp tác sản xuất mạng lõi. Để đến giai đoạn này không thể nóng vội. Hợp tác thì đơn giản, nhưng làm chủ công nghệ thì khó. Trên thế giới sản xuất trạm BTS có rất nhiều, nhưng tồn tại đến bây giờ chỉ có mấy nhà cung cấp.

Đất nước muốn phát triển đột phá phải có nền tảng và khoa học công nghệ phải đi trước một bước. Chỉ riêng VNPT đi trên một con đường là không đủ.

Ông có thể phác thảo một VNPT năm 2020 sẽ mang vóc dáng nào?

Đến năm 2020, đầu tiên, chắc chắn VNPT sẽ là một doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.

Thứ hai, về quy mô doanh nghiệp, VNPT sẽ tăng trưởng nhiều lần. VNPT sẽ “lột xác” từ một đơn vị mang tính cách già cỗi, thụ động, công chức thành doanh nghiệp trẻ trung, sáng tạo, nhưng vẫn giữ truyền thống nhân văn.

VNPT kỳ vọng đến năm 2020 sẽ quay lại dẫn đầu khối CNTT - viễn thông.

Dẫn đầu không có nghĩa chỉ một lĩnh vực mà là tổng thể các mảng dịch vụ, nhưng trên khía cạnh viễn thông - CNTT cho khách hàng.

Theo quan điểm của tôi, “số 1” lớn nhất là dịch vụ, sản phẩm của VNPT được khách hàng đánh giá là số 1 trên thị trường, là hình ảnh của VNPT trong lòng khách hàng.

VNPT

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *