Các nền kinh tế châu Á trong đại dịch Covid-19: Tồn tại hay không tồn tại?

29/04/2020

Người tạo 0

Chuyên mục:

Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 có lẽ chỉ như "cơn gió thoảng" so với trận cuồng phong của đại dịch COVID-19.

William Heinecke, founder của một tập đoàn khách sạn nghỉ dưỡng Minor International với 535 khách sạn và hơn 2200 nhà hàng ở khắp Thái Lan và các quốc gia khác cho biết rằng anh chưa bao giờ chứng kiến sự tồi tệ do khủng hoảng tạo ra như hiện nay. Tập đoàn của William đã trải qua khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và tác động kinh tế do sóng thần năm 2014 đã phá hủy hoàn toàn một khách sạn của Tập đoàn này.

Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa thấm vào đâu so với đại dịch lần này. Theo anh, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 chỉ như cơn gió thoảng so với trận cuồng phong của đại dịch COVID-19.

William nói: “Ngày đó, tất cả những gì chúng tôi phải đương đầu là đồng bath sụt giảm giá trị, thu nhập sụt giảm, nợ đô la đến hạn phải trả và thu nhập chủ yếu từ bath. Nhưng, nay đến cả thu nhập chúng tôi còn không có!”

Cộng đồng doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cùng chung cảnh ngộ mặc dù mức độ thiệt hại khác nhau đôi chút. Khi đại dịch tràn qua Ấn Độ và Đông Nam Á, một thị trường rộng lớn với 2 tỷ dân – tình trạng khẩn cẩn y tế nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Gareth Leather, Kinh tế trưởng nghiên cứu về châu Á của công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết: “Châu Á đang nằm giữa cơn khủng hoảng. Ngay cả khi virus được khống chế, cũng sẽ mất rất lâu để phục hồi.”

Ngay khi đại dịch và khủng hoảng bắt đầu tấn công châu Á, một trong những tín hiệu xấu đầu tiên xuất hiện đó là rút vốn từ các thị trường chứng khoán trong khu vực. Các nhà đầu tư rút 26 tỷ USD trên các thị trường chứng khoán Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc tính đến ngày 14/4 năm nay. Con số này đã vượt mức vốn rút trong 3 tháng tồi tệ nhất của khủng hoảng tài chính năm 2018.

Hình 1: Tháo chạy vốn từ các thị trường mới nổi châu Á

Ấn Độ là quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nặng nhất. Trong tháng 3, các nhà đầu tư ngoại đã rút con số kỷ lục 16 tỷ USD từ các thị trường tài chính của Ấn Độ – hơn rất nhiều so với con số của cả năm 2008.

Chưa biết được khủng hoảng sẽ còn đi đến đâu và mới đây IMF đã đưa ra dự báo cho các nền kinh tế năm 2020. Theo đó, Thái Lan và Malaysia khả năng sẽ có các mức tăng trưởng tương ứng là 6.7% và 1.7% trong khi đó Indonesia, Việt Nam và Philippines có thể phải rà soát lại mức tăng trưởng theo kế hoạch. Ấn Độ trong một dự báo được xem là lạc quan nhất cũng chỉ có thể đạt 1.9%. Trung Quốc, sau khi co về mức 6.8% trong quý I, rất có thể sẽ triển khai sớm các biện pháp hồi phục tốc độ tăng trưởng.

Hình 2: Mất giá các đồng tiền châu Á

Phần lớn hiện nay dựa vào khả năng của các gói kích cầu của các chính phủ. Thái Lan đã tung ra gói kích cầu trị giá 80 tỷ USD tương đương 16% GDP để vực dậy các khu vực sản xuất kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng. Gói kích cầu của Malaysi cũng có trị giá khoảng 59.6 tỷ USD.

David Lubin, Trưởng ban Kinh tế thị trường mới nổi của Citi Group nhận định “Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã có sự phòng vệ tốt hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng châu Á 1997. Nhìn chung, các quốc gia châu Á đã có 20 năm kinh nghiệm để tạo dựng khả năng chống chọi trước các cuộc khủng hoảng kiểu như thế này”

Trong hầu hết các trường hợp, các gói kích cầu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ví dụ, ngân hàng trung ương Thái Lan đã quyết định cung cấp khoản vay trị giá 500 tỷ bath (15 tỷ USD) với lãi suất 0.01% cho các ngân hàng thương mại để các NHTM cho các doanh nghiệp vay lại vơi mức lãi suất ưu đãi 2%.

Tuy nhiên các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng nhiều quốc gia trong khu vực đang phải “gồng mình” duy trì các cán cân vốn đã mỏng manh. Tài trợ thông qua các gói kích cầu sẽ làm tăng nợ chính phủ và cắt giảm lãi suất trong bối cảnh tháo chạy vốn làm gia tăng nguy cơ đồng tiền mất giá so với USD.

Hình 3: Nợ chính phủ và các gói kích cầu của các nước châu Á

Indonesia là một ví dụ. Ngân hàng trung ương nước này đã cắt giảm lãi suất và chấp nhận mức thâm hụt ngân sách 3% trong nỗ lực để ngăn chặn thảm họa nhân đạo và điều này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đồng tiền rupi của nước này sẽ nhanh chóng mất giá.

Tuy nhiên nhiều người cho rằng ưu tiên cho các vấn đề nhân đạo vẫn nên đặt lên hàng đầu. Hamza Ali Malik, Ủy Ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á và TBC của LHQ cho biết “Vê cơ bản, tất cả các công cụ chính sách nên được sử dụng tối đa. Theo tôi, cho dù khả năng tài khóa có thế nào đi chăng nữa, các chính phủ nên giang tay giúp đỡ người dân trong giai đoạn này”

Tình trạng của Ấn Độ thậm chí còn bi đát hơn khi quốc gia này phải đứng giữa các lựa chọn khó khăn. Lệnh phong tỏa toàn quốc đã tạo ra mối lo lắng về một thảm họa nhân đạo và nạn đói lan rộng trên khắp quốc gia này do thu nhập của hàng triệu lao động chính thức và phi chính thức bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang kêu gọi sự hỗ trợ từ chính phủ để chống chọi với sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi chỉ mới đưa ra gói kích cầu khiêm tốn, chiếm 1% GDP. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, một phần là do vị thế tài chính hạn chế của quốc gia này.

Chính phủ Ấn Độ thừa biết rằng với một khoản nợ chính phủ lên đến 68% GDP, một gói kích cầu lớn có thể là rất mạo hiểm trong thời gian này. Rất có thể kế hoạch duy trì thâm hụt tài khóa ở mức 3-5% GDP của chính phủ Ấn Độ khó trở thành hiện thực bởi doanh thu từ thuế sụt giảm và tiến trình tư nhân hóa các khu vực công như Air India không thực hiện được. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng việc trì hoãn một gói kích cầu lớn hướng đúng đối tượng có thể làm khủng hoảng trầm trọng thêm.

Jahangir Aziz, Trưởng ban Kinh tế các thị trường mới nổi của JPMorgan nhận định “Các hỗ trợ về thu nhập là cần thiết trong thời gian này, thậm chí cần phải hỗ trợ nhiều là đằng khác. Nếu không có các hỗ trợ như vậy, năng lực tài chính của các hộ gia đình, các tập đoàn lớn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức mà khi toàn nền kinh tế hồi phục, họ cũng không còn khả năng phục hồi nữa!”

Đức Lê (biên dịch)

Nguồn: VNR / Financial Times

Financial Times

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *