Chủ tịch Nam Long: “2020 là năm bản lề để NLG hiện thực hoá tầm nhìn 10 năm trước, điểm rơi lợi nhuận vào năm 2021-2022”

06/05/2020

Người tạo 1172

Chuyên mục:

Đối mặt với những thách thức của năm 2020, Chủ tịch HĐQT Nam Long ông Nguyễn Xuân Quang tự tin cho rằng đây không phải là lần đầu tiên ông chèo lái con thuyền vượt qua khủng hoảng.

NLG đã đi qua 2 cuộc khủng hoảng trước là vào năm 2007-2008 và 2013-2014 khi tình hình tài chính khó khăn và thị trường bất động sản đóng băng, công ty vẫn phát triển bằng các “nhóm tài sản an toàn” phù hợp thu nhập và cán mốc lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ vào 2019. Năm 2020 sẽ không dễ dàng nhưng Nam Long sẽ không hề dừng lại. NLG tiếp tục chuyển hóa để hiện thực hóa hành trình 2020, cải tiến, củng cố nội lực nhằm mang lại hiệu quả hoạt động cao nhất, kết quả bền vững nhất để cùng chia sẻ giá trị với cổ đông và xây dựng tầm nhìn tương lai cho 10 năm kế tiếp.

Tăng trưởng CAGR 34% trong giai đoạn 2017-2019

Trong bối cảnh thị trường BĐS bị sụt giảm cả về nguồn cung dự án, sản phẩm và số lượng giao dịch, NLG vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng CAGR 34% trong giai đoạn 2017-2019 và mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2019 tăng 26% so với năm 2018.

2019, NLG tiếp tục triển khai 3 khu đô thị Mizuki Park (26ha), Akari City (8,5ha) và Waterpoint (355 ha) với số lượng đặt chỗ trước thuộc top cao nhất thị trường với hơn 5.000 tỷ đồng, bàn giao cho khách hàng hơn 3.000 sản phẩm thuộc dòng EHome, Flora, Valora tại các dự án khu đô thị, hoàn tất xây dựng bộ máy phát triển dự án và bán hàng tại Hà Nội và Hải Phòng.

Lợi thế hiện nay là quỹ đất sạch 681 ha, theo ông Quang, công ty đã phải chuẩn bị 10 năm để có quỹ đất sạch này, nghĩa là đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch…để sẵn sàng cho sự phát triển cho 10 năm tiếp theo.

Trả cổ tức 20% năm 2019 và 10% cổ phiếu thưởng sẽ chọn thời điểm phát hành vào năm 2021

Căn cứ vào KQKD năm 2019, Nam Long thông qua việc phân phối lợi nhuận năm 2019 bằng cổ tức tỷ lệ 10% tiền mặt, 10% cổ phiếu và thưởng cổ phiếu 10%. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ thực hiện sau ĐHCĐ năm 2020, còn thưởng cổ phiếu lùi thời gian phát hành đến thời điểm phù hợp với bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi để tránh tác động pha loãng và tiếp tục giảm giá cổ phiếu NLG.

Kế hoạch lợi nhuận 2020 ở mức 820 tỷ, 725 tỷ lợi nhuận ghi nhận từ chuyển nhượng vốn 2 dự án mới Waterfront và Nam Long Đại Phước (Đồng Nai)

Theo CEO Steven Chu, năm 2020 Nam Long đặt kế hoạch doanh thu 1.520 tỷ và lợi nhuận ở mức 820 tỷ, trả cổ tức 10% bằng tiền và 5% bằng cổ phiếu, đây là một tỷ lệ cổ tức cao trong bối cảnh rất nhiều công ty lớn bị thua lỗ và ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

Trong 820 tỷ lợi nhuận năm 2020, có 725 tỷ lợi nhuận tài chính đến từ việc chuyển nhượng vốn tại 2 dự án Waterfront và Nam Long Đại Phước tại Đồng Nai.

Chia sẻ cụ thể về chuyển nhượng vốn, Giám đốc đầu tư Phạm Đình Huy cho biết được xuất phát từ hợp tác với các đối tác chiến lược Nhật Bản để phát triển dự án. Việc chuyển nhượng 2 dự án Waterfront và Nam Long Đại Phước được áp dụng hình thức chuyển nhượng vốn (giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty con) thay vì chuyển nhượng dự án như trước đây. Chính vì vậy lợi nhuận sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận tài chính nhưng hoạt động kinh doanh cốt lõi - đầu tư phát triển dự án hoàn toàn không thay đổi. Bởi đặc thù giao dịch nên thủ tục chuyển nhượng tiến hành thuận lợi và nhanh hơn chuyển nhượng dự án.

Ngoài ra,  NLG cũng đặt kế hoạch mỗi năm dành 500 - 1.000 tỷ đồng để tăng tích lũy 10 - 20ha quỹ đất sạch sẵn sàng cho việc phát triển dự án, phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với thu nhập của nhiều phân khúc thị trường.

Điểm rơi lợi nhuận vào năm 2021-2022

Điểm rơi lợi nhuận của Nam Long sẽ vào năm 2021-2022, với tổng lợi nhuận của 7 dự án đang triển khai vào khoảng 9.000 tỷ đồng (chưa gồm lợi nhuận của 190ha Waterpoint giai đoạn 2).

Năm 2020 NLG tiếp tục phát triển 681 ha quỹ đất sạch sẵn có, tiếp tục thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng và đầu tư các tiện ích đô thị; tìm kiếm đối tác để hợp tác phát triển các dự án: Waterfront 170 ha; Nam Long Đại Phước 45 ha và Waterpoint Giai đoạn 2 – 190 ha, tiếp tục mở rộng thị trường ra các vùng kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương.

Kiểm soát tiến độ, chất lượng, ngân sách, chuẩn mực làm sao bàn giao đúng thời hạn cho các khách hàng với chất lượng cao nhất. Chuẩn hóa vật liệu, cấu kiện, thiết bị cho các dòng sản phẩm của NLG và sản xuất công nghiệp; Chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn thiết kế - dịch vụ cho các sản phẩm Valora, Flora, EHome và Public Domain.

NLG cũng sẽ mở khoá 40% trên tổng số 113 ha đất hiện có để phát triển mảng dịch vụ, thương mại, trường học…tạo nên giá trị hệ sinh thái các khu đô thị Nam Long, tạo nguồn doanh thu thường xuyên cho NLG phát triển lâu dài.

Cẩn trọng trước tác động của Covid-19, kế hoạch bán hàng được xây dựng trên kịch bản an toàn nhất

Theo CEO Steven Chu, với các dự án Akari, Mizuki và Waterpoint, công ty ít bị tác động và sẽ bàn giao các sản phẩm đã ký hợp đồng đúng hạn. Kế hoạch kinh doanh trên kịch bản an toàn nhất sẽ dời kế hoạch bán hàng dự kiến từ 1 đến 3 quý tuỳ dự án.

Theo GĐ điều hành Nguyễn Thanh Sơn, NLG đã triển khai các công tác chuẩn bị bán hàng đúng tiến độ nhưng vì Covid-19 và các quy định giãn cách xã hội nên Nam Long thận trọng trong việc đưa hàng ra. “NLG đã xong nhà mẫu, văn phòng bán hàng và chuẩn bị các chương trình bán hàng tương thích với bối cảnh thị trường, sau đại dịch sẽ tiến hành lauch sản phẩm. Công trường vẫn thi công xây dựng đúng tiến độ đã hoạch định trước đó, từ nay đến cuối năm sẽ đưa ra khoảng 1.200-1.500 sản phẩm”.

Ông Nguyễn Minh Quang GĐ khối kinh doanh tiếp thị chia sẻ thêm, trong tháng 3 mặc dù giãn cách xã hội nhưng Nam Long vẫn duy trì hoạt động kinh doanh, tung hàng mới dưới phương thức bán hàng Online nhằm thử nghiệm phản ứng của thị trường BĐS nhà ở mùa dịch Covid 19. Dự án Akari có 80-100 sản phẩm đã được khách hàng đặt cọc và ký hợp đồng mua bán doanh số thu về ước đạt tới 100 tỷ đồng. Điều này cho thấy thị trường vẫn có sự hấp thụ đối với những sản phẩm nhà ở affordable phù hợp với nhu cầu ở thật.

Thu hút dòng chảy tài chính từ khu vực vào Việt Nam

Một nội dung đáng chú ý được Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang chia sẻ là việc Nam Long nỗ lực mở văn phòng tại Nhật Bản với tham vọng tạo dòng chảy tài chính từ Nhật Bản về Việt Nam. Với lợi thế có quan hệ với các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản như Hankyu Hanshin, Nishitetsu, hay Keppel Land (Singapore), ông Quang kỳ vọng sắp tới đây NLG sẽ làm việc với các nhà tư vấn tài chính của khu vực tìm kiếm các công ty offshore để tìm công ty thu hút dòng chảy tài chính vào Việt Nam.

“Kế hoạch niêm yết nước ngoài đã được lên kế hoạch 3 năm trước,  NLG đã xây dựng hành lang pháp lý, và luôn tuân thủ các chuẩn mực tài chính và kiểm toán để sẵn sàng khi điều kiện cho phép. Việc niêm yết nước ngoài sẽ giúp Nam Long bước ra quốc tế, đó là chiến lược lâu dài”, ông Quang chia sẻ.

Thời gian qua cổ phiếu NLG giảm điểm cùng với đà giảm chung của thị trường. Do công ty gần như kín room ngoại nên việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu NLG. Công ty đã lên kế hoạch mua 10 triệu cổ phiếu quỹ. “Không có nhiều công ty có dư địa tài chính lớn để thực hiện việc này, nên các nhà đầu tư không lo về thanh khoản của Nam Long”, giám đốc đầu tư chia sẻ.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang chia sẻ, để tạo giá trị cổ phiếu như kỳ vọng của nhà đầu tư và phát triển bền vững, NLG đã đồng hành cùng McKensy với tầm nhìn Nam Long 10 năm tiếp theo: trở thành nhà phát triển BĐS chất lượng cao, đẳng cấp thế giới, kinh doanh bền vững với thương hiệu được khách hàng ngưỡng mộ, là niềm tự hào của Việt Nam, phục vụ nhu cầu thật và phát triển cùng sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Nam Long Group

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *